NẾU BIẾT TRĂM NĂM LÀ HỮU HẠN

Kính thưa quý vị đại biểu, quý ban giám khảo, quý thầy cô giáo cùng toàn thể hội thi. Lời đầu tiên em xin gửi đến quý vị đại biểu, quý ban giám khảo, quý thầy cô giáo cùng toàn thể hội thi lời kính chúc sức khỏe và lời chào trân trọng nhất!

           Em tên là KA HUỲNH, học sinh lớp 9A1. Hôm nay, em rất vinh dự được thay mặt cho các bạn học sinh trường PTDTNT THCS huyện Đức Trọng tham dự hội thi thuyết trình sách với chủ đề “Cuốn sách tôi yêu”.

           Đến với Hội thi thuyết trình sách ngày hôm nay, em xin giới thiệu cuốn sách có tựa đề Nếu biết trăm năm là hữu hạn. Cuốn sách được “thai nghén” và “chào đời” bởi hai tâm hồn đồng điệu của hai tác giả Đặng Nguyễn Đông Vy và Phạm Công Luận (là một cặp với chồng) với bút danh chung là Phạm Lữ Ân xuất bản lần đầu tiên năm 2012 và đã có 30 lần tái bản, mỗi lần tái bản, sách lại có một diện mạo mới. Đây là ấn phẩm giữ vị trí best-seller trong nhiều năm qua.  Cuốn sách em đang cầm trên tay có kích thước 15.5 x 23.5 cm,  loại bìa mềm, dày 187 trang với hình thức đẹp, màu sắc tươi tắn hài hòa đan xen với những bài tản văn sâu sắc do Hội nhà văn xuất bản lần thứ 20.  Đây là cuốn sách mà em vô cùng yêu thích.

Cuốn sách gồm tập hợp 40 tản văn có chủ đề đa dạng, xoay quanh tình yêu, mối quan hệ bạn bè, gia đình, những thành công - thất bại trong cuộc đời, hoặc đơn giản là về quá trình trưởng thành của con người…với những góc nhìn sâu sắc về sự vô thường của cuộc đời đúng như tên sách đã gợi ra. Nếu biết trăm năm là hữu hạn đưa bạn đọc đến nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, những không gian tưởng chừng không thể quay về, vừa hoài niệm, sâu sắc, lại giản dị, chân thành. Đọc những tản văn ngắn trong cuốn sách này, độc giả như bắt gặp chính bản thân mình trong đó. Những điều ấy khiến ta phải dừng lại suy ngẫm, chiêm nghiệm lại bản thân mình để sống tốt hơn cho mình và mọi người xung quanh.

Đọc bài “Bản thân ta là những giá trị có sẵn”, em thật ấn tượng với các vào đề của tác giả:

Lâu rồi, tôi có đọc được bài phỏng vấn Ngô Thị Giáng Uyên, tác giả cuốn sách được nhiều bạn trẻ yêu thích “Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương”. Trong đó cô kể rằng khi đi xin việc ở công ty Unilever, có người hỏi nếu tuyển vào không làm marketing mà làm sales thì có đồng ý không. Uyên nói có. Nhà tuyển dụng rất ngạc nhiên bởi hầu hết những người được hỏi câu này đều trả lời không. “Tại sao phỏng vấn marketing mà lại làm sales?”. Uyên trả lời: “Tại vì tôi biết nếu làm sales một thời gian thì bộ phận marketing cũng sẽ muốn đưa tôi qua đó, nhưng đã quá muộn vì sales không đồng ý cho tôi đi”. Chi tiết này khiến tôi nhớ một câu chuyện khác về diễn viên Trần Hiểu Húc. Khi đó cô đến xin thử vai Lâm Đại Ngọc, đạo diễn Vương Phù Lâm đã đề nghị cô đóng vai khác. Hiểu Húc lắc đầu: “Tôi chính là Lâm Đại Ngọc, nếu ông để tôi đóng vai khác, khán giả sẽ nói rằng Lâm Đại Ngọc đang đóng một vai khác”.

Bằng giọng văn tâm tình, dịu dàng và đầy triết lí, nhà văn đã đưa ra những suy ngẫm sâu sắc đến cho bạn đọc về những giá trị của bản thân mà bạn trẻ cần nhận rõ:

“Đâu là điều giống nhau giữa họ? Đó chính là sự TỰ TIN. Và tôi cho rằng họ thành công là bởi vì họ tự tin. Bạn có thể không thông minh bẩm sinh nhưng bạn luôn chuyên cần và vượt qua bản thân từng ngày một. Bạn có thể không hát hay nhưng bạn là người không bao giờ trễ hẹn. Bạn không là người giỏi thể thao nhưng bạn có nụ cười ấm áp. Bạn không có gương mặt xinh đẹp nhưng bạn rất giỏi thắt cà vạt cho ba và nấu ăn rất ngon. Chắc chắn, mỗi một người trong chúng ta đều được sinh ra với những giá trị có sẵn. Và chính bạn, hơn ai hết, trước ai hết, phải biết mình, phải nhận ra những giá trị đó.”

           Tuổi mới lớn hẳn sẽ rất tò mò với bao cảm xúc mới lạ với bạn bè khác giới, trong đó có tình yêu. Trong bài “Như chờ tình đến rồi hãy yêu”, nhà văn đã dùng một câu chuyện rất gần gũi thường gặp trong đời sống là sự vội vã của con người khi phải chờ đèn đỏ hay hình ảnh con sâu nằm trong kén, em bé nằm trong bụng mẹ để rồi đem đến cho người đọc những suy ngẫm đậm chất triết lí về tình yêu, về sự chờ đợi trong cuộc đời này:

Nhưng em biết không, đừng vì bất cứ một triết lý nào mà gạt bỏ ý nghĩa của sự chờ đợi. Chờ đợi ở đây không phải là há miệng chờ sung, mà chờ đợi là một phần của bài học cuộc đời. Em sẽ bằng lòng đợi chứ, nếu em biết về điều sẽ xảy ra?” Vì vậy, hãy cứ bình tâm, em nhé. Cuộc đời ta cũng như rượu vang vậy. Có những loại vài tháng là uống được. Nhưng cũng có loại phải lưu giữ rất nhiều năm để đạt độ cần thiết. Điều quan trọng không phải là sớm hay là muộn, mà là đúng lúc. Bởi mọi thứ đều có thời điểm của riêng nó. Vị rượu ngon chính là phần thưởng của tháng năm.

Em đừng cố rút ngắn thời gian. Nếu trái chưa chín thì đừng nên hái. Nếu nhộng chưa chín thì đừng phá vỡ kén tằm. Nếu chưa gặp được một tâm hồn đồng điệu thì đừng trao gửi trái tim. Đừng để thế giới này tác động. Xuân qua hè tới. Đông sang thu về.

Đừng nôn nóng khi nhìn thấy những loài cây đã khoe lá khoe hoa. Hãy cứ bình tâm. Hãy đợi thời điểm của mình, em nhé. Hãy tận dụng khoảng lặng này để bồi đắp cho chính mình và học cách khám phá điều sẽ xảy ra. Nếu em biết suy tư, khoảng thời gian chờ đợi không bao giờ là vô nghĩa.”

 

          Thể hiện cảm xúc với cuốn sách, Lê Trà My đã có những dòng thơ:

 

Nếu biết trăm năm là hữu hạn

Cớ gì ta cứ mãi oán than

Hãy trân trọng từng giây được sống

Vì biết đâu, mai…đã muộn màng

…..

Và nếu trăm năm là hữu hạn

Thì ta hãy sống đẹp cho đời

Nếu không thể là một vì sao sáng

Cũng xin đừng như hạt cát vô tri.”

Chia sẻ cảm nhận về cuốn sách, có độc giả viết: ““Đọc nó, ta như tìm được lời giải đáp cho những suy tư của chính mình. Đọc nó, ta như tìm lại được chốn bình yên trong tâm hồn mình. Để rồi ta nhìn cuộc đời bao dung hơn, nhìn con người vị tha hơn, và bản thân ta cũng dũng cảm hơn trong cuộc sống. Khi đó, ta chính là ta, và sống một cuộc đời”. Nhiều độc giả chia sẻ rằng mình đã nhận được những bài học quý giá từ các trang viết của bộ đôi tác giả Phạm Lữ Ân.

Không phải ngẫu nhiên mà tác phẩm này nhận được nhiều sự yêu mến đến vậy khi tái bản lên tới 30 lần. Những trang viết của Nếu biết trăm năm là hữu hạn suốt bao nhiêu năm qua vẫn như người bạn tâm tình với bao độc giả, xứng đáng trở thành cuốn sách được yêu thích ở Việt Nam. Chúng ta, bạn và tôi, là những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, là những con người bắt đầu chạm ngưỡng cuộc đời. Có bao giờ ta chạm vào ngưỡng cửa nào mà không bỡ ngỡ? Bạn đang loay hoay tìm một lối đi riêng cho bản thân mình, hay chỉ đơn giản là bạn cảm thấy cuộc sống này vô vị và tẻ nhạt? Nếu biết trăm năm là hữu hạn là cây cầu nối văn chương với cuộc đời, là một cuốn sách rất hay, rất đáng để mọi người tìm đọc. Mỗi ngày đọc một bài và suy ngẫm, chiêm nghiệm, thực hành theo nó, chắc chắn cuộc sống sẽ tốt lên rất nhiều ở tất cả mọi khía cạnh: tinh thần, sự nghiệp, gia đình, mối quan hệ giữa người với người…Nếu biết trăm năm là hữu hạn, bạn còn định lãng phí một ngày, một giờ nào đó trong đời hay không?

 

 Vậy thì bạn đừng bỏ qua cuốn sách này. Phạm Lữ Ân gửi gắm từ cái tên Nếu biết trăm năm là hữu hạn, cái tên gọi của sách đã mang bao ẩn ý và gợi mở biết bao điều, bởi cuộc sống chẳng vô cùng và chỉ khi ta biết cái “hữu hạn” của tháng năm ta sẽ không hoài phí sống một cuộc đời vô định.

           Các bạn có thể tìm đọc cuốn sách Nếu biết trăm năm là hữu hạn tại Thư viện trường PTDTNT THCS huyện Đức Trọng hoặc cũng có thể truy cập Internet để tải sách về với Thư viện Ebook Miễn phí (https://file.nhasachmienphi.com/pdf/nhasachmienphi-neu-biet-tram-nam-la-huu-han.pdf) .

Phần dự thi thuyết trình sách của em đến đây là kết thúc. Em xin kính chúc quý vị đại biểu, quý ban giám khảo và quý thầy cô giáo sức khỏe, hạnh phúc. Chúc các bạn học sinh luôn chăm ngoan, học giỏi, và luôn luôn có thói quen đọc sách mỗi ngày để bồi dưỡng tri thức, đạo đức và rèn luyện kĩ năng, sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc cuộc đời này